• THÔNG BÁO: Diễn đàn trực tuyến TRUNG TÂM Y TẾ THỦ THỪA sắp hết dung lượng lưu trữ dữ liệu và sẽ tạm ngưng hoạt động sau ngày 31/12/2023. Để tiếp tục duy trì hoạt động diễn đàn, đề nghị chủ sở hữu mua thêm dung lượng hoặc đăng ký hosting mới. Xin cảm ơn!

Thu viện phí theo xu hướng thời đại số

Bùi Thị Thùy Mai

Cán bộ Truyền thông Giáo dục sức khỏe
26/9/2024

Thu viện phí theo xu hướng thời đại số

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành một xu hướng phổ biến trên toàn cầu. Tại Việt Nam, chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách và biện pháp nhằm khuyến khích người dân và các tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi sang hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Một trong những lĩnh vực đang từng bước áp dụng hiệu quả hình thức này là ngành y tế, đặc biệt là trong việc thu viện phí tại các bệnh viện.

Một trong những vấn đề thường gặp là tình trạng đông đúc, xếp hàng chờ đợi để thanh toán viện phí. Việc áp dụng các hình thức thanh toán điện tử, chẳng hạn như quét mã QR, thanh toán qua thẻ tín dụng, ví điện tử hay chuyển khoản ngân hàng, giúp giảm bớt thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Người bệnh có thể dễ dàng thực hiện thanh toán qua điện thoại hoặc các thiết bị thông minh, từ đó nâng cao trải nghiệm dịch vụ y tế.

Thanh toán không sử dụng tiền mặt giúp tăng cường tính minh bạch các giao dịch đều được ghi lại và có thể truy xuất, giúp giảm thiểu rủi ro về tham nhũng, gian lận. Việc không phải cầm giữ tiền mặt cũng giúp giảm nguy cơ bị mất cắp hoặc thất lạc, đảm bảo an toàn cho cả người bệnh lẫn cán bộ y tế. Đây cũng là quá trình hiện đại hóa và số hóa ngành y tế. Khi áp dụng công nghệ thanh toán điện tử, không chỉ cải thiện được quy trình làm việc nội bộ mà còn giúp nâng cao uy tín và chất lượng dịch vụ y tế. Đặc biệt, việc sử dụng các giải pháp thanh toán số cũng giúp tích hợp thông tin bệnh nhân và các giao dịch tài chính vào hệ thống quản lý tổng thể của cơ sở y tế, từ đó dễ dàng theo dõi, kiểm soát và báo cáo.

Mặc dù thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng phổ biến, nhưng thói quen sử dụng tiền mặt vẫn còn rất phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi hạ tầng công nghệ còn hạn chế. Nhiều người dân, đặc biệt là những người lớn tuổi, vẫn chưa quen với việc sử dụng các thiết bị điện tử và các phương thức thanh toán mới. Điều này đòi hỏi các cơ sở y tế phải đầu tư vào việc đào tạo, hướng dẫn người bệnh cách sử dụng các hình thức thanh toán điện tử một cách dễ dàng và thuận tiện nhất. Việc đẩy mạnh nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt là rất quan trọng, truyền thông qua các chiến dịch tuyên truyền, giới thiệu về những lợi ích và tiện ích của thanh toán điện tử. Đồng thời, tổ chức các buổi hướng dẫn, đào tạo cho bệnh nhân, đặc biệt là những người lớn tuổi biết cách sử dụng các ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động hoặc các thiết bị khác.

Ngoài ra, cần đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống mạng lưới kết nối ổn định, trang bị các thiết bị thanh toán hiện đại như máy POS, mã QR, cũng như các phần mềm quản lý tích hợp là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, đảm bảo an ninh, bảo mật thông tin để tránh các rủi ro về an ninh mạng. Phối hợp với các tổ chức tài chính, ngân hàng và các công ty công nghệ để xây dựng hệ thống thanh toán điện tử phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân. Phương thức thanh toán này còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các dịch vụ thanh toán hiện đại một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.

Để triển khai một cách hiệu quả, cơ sở y tế phải có hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ và hiện đại. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu này. Một khó khăn khác khi áp dụng hình thức thu viện phí không dùng tiền mặt là chi phí triển khai và duy trì hệ thống. Việc lắp đặt, bảo trì và nâng cấp các thiết bị hỗ trợ thanh toán điện tử, cũng như chi phí thuê bao các dịch vụ kết nối, đều yêu cầu một khoản đầu tư không nhỏ và là một thách thức đối với cơ sở y tế. Nhằm quản lý hiệu quả hơn các khoản thu chi, giảm thiểu sai sót và thất thoát trong quá trình xử lý các giao dịch tài chính. Hệ thống thanh toán tự động giúp lưu trữ và quản lý thông tin chi tiết về từng giao dịch, từ đó có thể kiểm soát tốt hơn dòng tiền ra vào, tránh tình trạng thất thoát do nhầm lẫn hay gian lận.

Vào tháng 10/2022, Trung tâm Y tế huyện Thủ Thừa đã triển khai và đưa vào hoạt động thu viện phí không dùng tiện mặt. Trung tâm đã phối hợp với Ngân hàng Agribank huyện đã từng bước thực hiện thông qua quét mã QR. Đồng thời, khuyến khích, vận động và hướng dẫn thêm cho các bệnh nhân, thân nhân khác có điện thoại thông minh tham gia thực hiện được đóng viện phí qua hình thức quét mã QR. Mặc dù, đã triển khai việc này vẫn còn một số hạn chế vì đối mặt với nhiều thách thức từ thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân đến hạ tầng công nghệ và chi phí triển khai hệ thống thanh toán tự động. Để đẩy mạnh việc thực hiện này ngày 15/8/2024 Trung tâm Y tế Thủ Thừa lập Kế hoạch số 1969/KH-TTYT về việc đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai miễn phí giải pháp KIOSK y tế thông minh tại Trung tâm Y tế huyện Thủ Thừa. Đến ngày 29/8/2024 Trung tâm Y tế Thủ Thừa thông tin đến các cơ quan, khách hàng (bệnh nhân) về việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt như sau: Kể từ ngày 15/9/2024 Trung tâm Y tế Thủ Thừa thực hiện thu phí, viện phí không dùng tiền mặt theo hình thức thanh toán chuyển khoản hoặc Quét mã QR (Thực hiện đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng, kiểm tra chính xác số tiền, thông tin trước khi thanh toán). Địa điểm thu, thực hiện chuyển khoản hoặc Quét mã QR tại phòng thu Viện phí.

Thu viện phí không sử dụng tiền mặt tại cơ sở y tế là một xu hướng tất yếu trong thời đại số. Nó không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu thời gian chờ đợi cho bệnh nhân mà còn đảm bảo tính minh bạch và an toàn trong các giao dịch tài chính. Chính vì vậy, cần có sự chung tay từ phía các cơ sở quản lý nhà nước, tổ chức tài chính và người dân để thúc đẩy quá trình này, mang lại lợi ích to lớn cho xã hội và ngành y tế trong tương lai./.

Bùi Thị Thùy Mai
 
Top