• THÔNG BÁO: Diễn đàn trực tuyến TRUNG TÂM Y TẾ THỦ THỪA sắp hết dung lượng lưu trữ dữ liệu và sẽ tạm ngưng hoạt động sau ngày 31/12/2023. Để tiếp tục duy trì hoạt động diễn đàn, đề nghị chủ sở hữu mua thêm dung lượng hoặc đăng ký hosting mới. Xin cảm ơn!

Thủ Thừa làm tốt Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính

Bùi Thị Thùy Mai

Cán bộ Truyền thông Giáo dục sức khỏe
10/7/2024
Thủ Thừa làm tốt Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Y tế huyện Thủ Thừa đã triển khai nhiều hoạt động tích cực nhằm kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Kết quả đạt được đã phản ánh nỗ lực và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, tổ chức và cộng đồng dân cư.
Công tác chỉ đạo và điều hành được thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, Công văn số 1682/CV-HU ngày 4/3/2024 của Huyện Uỷ huyện Thủ Thừa đã tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Dân số năm 2024. Kế hoạch số 1443/KH-UBND ngày 20/3/2024 của UBND huyện đã triển khai thực hiện công tác Dân số trên địa bàn huyện Thủ Thừa năm 2024, đồng thời Kế hoạch số 3015/KH-BCĐ ngày 24/5/2024 của Ban Chỉ đạo công tác Dân số và Phát triển huyện đã đưa ra mục tiêu cụ thể là kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, xây dựng xã, thị trấn đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, và đưa chính sách dân số vào quy ước ấp, khu phố năm 2024. Kế hoạch số 1503/KH-TTYT ngày 28/6/2024 của Trung tâm Y tế huyện cũng đã giám sát chặt chẽ việc thực hiện Đề án.
Kết quả cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh trong 6 tháng đầu năm đạt 228 bé trai/241 bé gái được sinh ra. Mặc dù chưa đạt kế hoạch đề ra là 103-107 nam/100 nữ, nhưng con số này vẫn thể hiện một bước tiến đáng kể trong việc kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh. Bên cạnh đó, có 8 xã đạt chỉ tiêu 60% cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, so với kế hoạch là 9 xã. Có 32/56 ấp, khu phố đều đạt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng sinh đủ 2 con (đạt chỉ tiêu tỉnh giao). Tất cả 12 xã, thị trấn đều đã đưa nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào quy ước ấp, khu phố.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Đề án cũng gặp phải nhiều khó khăn và thách thức. Sự chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh vẫn còn do nhận thức của người dân về sinh đẻ chưa thay đổi nhiều, vẫn còn tư tưởng của truyền thống ưa thích con trai, con gái và một số gia đình muốn sinh thêm nhiều con. Việc tiếp cận đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ gặp khó khăn do họ đi làm. Kỹ năng truyền thông của cộng tác viên còn hạn chế, công tác vận động chưa phong phú và đa dạng, chưa thực sự làm thay đổi hành vi của người dân. Ngoài ra, trang thiết bị truyền thông bị hư hỏng cũng làm giảm hiệu quả của công tác tuyên truyền.
Trước những khó khăn trên, để phấn đạt được mục tiêu nghị quyết Huyện Ủy đề ra, Trung tâm Y tế huyện Thủ Thừa đã đề xuất một số biện pháp để nâng cao hiệu quả của Đề án. Cụ thể, cần cung cấp thêm sản phẩm truyền thông như băng rôn, tờ rơi, tranh lật, sổ tay về nội dung Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Đồng thời, cần cấp thêm kinh phí cho các hoạt động truyền thông tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân về vấn đề này. Tiếp tục nỗ lực và phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, tổ chức và cộng đồng dân cư để kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, hướng tới xây dựng một xã hội công bằng và phát triển bền vững. Mục tiêu là thay đổi nhận thức của người dân, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con đặc biệt sinh đủ 2 con trước 35 tuổi nhằm xây dựng một xã hội mà trong đó con gái và con trai đều được coi trọng như nhau.
Việc thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh là một nhiệm vụ quan trọng và đòi hỏi sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và cung cấp thông tin để thay đổi hành vi của người dân. Với sự nỗ lực không ngừng và sự hỗ trợ của cộng đồng, đề án sẽ đạt được những kết quả tích cực tốt hơn trong thời gian tới.
Bùi Thị Thùy Mai
 
Top