• THÔNG BÁO: Diễn đàn trực tuyến TRUNG TÂM Y TẾ THỦ THỪA sắp hết dung lượng lưu trữ dữ liệu và sẽ tạm ngưng hoạt động sau ngày 31/12/2023. Để tiếp tục duy trì hoạt động diễn đàn, đề nghị chủ sở hữu mua thêm dung lượng hoặc đăng ký hosting mới. Xin cảm ơn!

Thủ Thừa chủ động ứng phó dịch bệnh sởi

Bùi Thị Thùy Mai

Cán bộ Truyền thông Giáo dục sức khỏe
16/8/2024
Thủ Thừa chủ động ứng phó dịch bệnh sởi
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng đông - xuân. Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mũi họng bệnh nhân.
Bệnh có biểu hiện như: sốt, viêm long đường hô hấp trên và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như tiêu chảy, viêm phổi, viêm giác mạc thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong. Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin sởi đều có cảm nhiễm với bệnh sởi.
Hiên nay, tình hình dịch sởi đang bùng phát ở TPHCM và các tỉnh phía nam. Tính đến ngày 11/8/2024 có gần 600 ca mắc và điều trị tại các bệnh viện nhi trên địa bàn TPHCM, trong đó có trên 350 ca từ các tỉnh, thành khu vực phía nam. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm vắc xin chưa đầy đủ. Hiện đã có 3 ca tử vong do sởi. Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị công bố dịch sởi trên toàn TPHCM, đồng thời cảnh báo cả khu vực phía nam.
Tại tỉnh Long An tính đến hết ngày 11/8/2024 toàn tỉnh ghi nhận 69 trường hợp Sởi dương tính, các huyện có ca mắc cao: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước,… Riêng tại huyện Thủ Thừa đầu tháng 8/2024 phát hiện 1 ca sởi ở xã Long Thạnh, ca bệnh được điều trị và điều tra xử lý không để lây lan. Trước tình hình đó Trung tâm Y tế Thủ Thừa tổ chức tập huấn triển khai hướng dẫn giám sát, điều tra và xử lý ca bệnh/ổ dịch Sởi/Rubella tại hội trường Trung tâm Y tế Thủ Thừa lúc 8 giờ 00 ngày 15/8/2024 cho các cán bộ Khoa KSBT&HIV/AIDS cùng với các cán bộ quản lý dịch và tiêm chủng mở rộng của 12 xã, thị trấn.
Nội dung tập huấn triển khai về thông tin tình hình bệnh Sởi/ Rubella trên địa bàn huyện Thủ Thừa; Hướng dẫn giám sát Sởi/ Rubella; Hướng dẫn điều tra, xử lý ổ dịch Sởi/ Rubella; Cập nhật các bệnh liên quan đến Chương trình TCMR lên phần mềm Thông tư 54/TT-BYT; Thống nhất hoạt động TCMR - Quản lý dịch.
Cũng trong buổi tập huấn này các cán bộ chương trình huyện cho biết các hướng dẫn, quy định của chương trình như: “Ngày khởi phát” là ngày có triệu chứng đầu tiên để nhập vào phần mềm Thông tư 54. Riêng bệnh Sởi ngày khởi phát tính là ngày sốt đầu tiên; Đối với các trường hợp “Sởi âm tính” và “không có trên địa bàn” không được xóa ca bệnh trên phần mềm Thông tư 54, phải thay đổi chẩn đoán ở mục 45, 46 đồng thời ghi vào cột ghi chú: Lý do đổi chẩn đoán. Phải có phiếu điều tra gửi về Khoa Kiểm soát bệt tật & HIV/AIDS trước khi cập nhật ca bệnh trên phần mềm; Định nghĩa ổ dịch Sởi/ Rubella theo Quyết định số 4845/QĐ-BYT ngày 05/12/2012 của Bộ Y tế; Hướng dẫn xử lý ổ dịch Sởi/ Rubella theo Thông tư 17/2019/TT-BYT ngày 17/7/2019 của Bộ Y tế; Thực hiện báo cáo phần mềm Thông tư 54 theo quy định.
Ông Phạm Văn Luân – Giám đốc Trung tâm Y tế chủ trì lớp tập huấn, cũng đưa ra thống nhất thực hiện của các cán bộ chương trình huyện và xã sau buổi tập huấn này như sau:
Một là: Tìm kiếm, cập nhật, nhập mới 6 bệnh Sởi/ Rubella, Bạch hầu, Ho gà, Bại liệt/ Liệt mềm cấp, Uốn ván sơi sinh, Uốn ván khác < 15 tuổi, Viêm não Nhật bản,
Hai là: Điều tra ca bệnh của 6 bệnh: Do cán bộ quản lý Chương trình TCMR; Xử lý ca bệnh: Cán bộ Chương trình TCMR phụ trách chính, cán bộ Chương trình Quản lý dịch hỗ trợ.
Ba là: Chia sẻ thông tin điều tra: 2 chương trình chia sẻ.
Bốn là: Điều tra, xử lý ổ dịch: Cán bộ Chương trình Quản lý dịch phụ trách chính, cán bộ Chương trình TCMR hỗ trợ.
Năm là: Báo cáo phát hiện và báo cáo kết thúc ổ dịch: Cán bộ Chương trình Quản lý dịch phụ trách chính, cán bộ Chương trình TCMR hỗ trợ.
Sáu là: Chốt số liệu báo cáo tháng: Chương trình TCMR và Quản lý dịch chốt báo cáo tháng trước 8 tây hàng tháng.
Đồng thời, cũng khuyến cáo đến người dân hạn chế việc đưa trẻ đến những vùng đang có dịch sởi xảy ra. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi, điều trị chủ yếu để phòng bội nhiễm và điều trị các biến chứng nặng do sởi gây ra. Bệnh nhân cần được cách ly, hạ sốt khi sốt cao, bồi phụ nước và điện giải qua đường uống, chỉ truyền dịch khi người bệnh nôn nhiều. Việc tiêm vắc xin Sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Thực hiện tiêm chủng 2 mũi vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo qui định của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (Mũi 1 tiêm khi trẻ 9-12 tháng tuổi, mũi 2 tiêm khi trẻ 18 đến dưới 2 tuổi). Không có vắc xin nào có hiệu quả bảo vệ 100%. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%.
Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng thì có miễn dịch có thể bền vững suốt đời. Các bà mẹ phải thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của cán bộ y tế khi đưa trẻ đi tiêm chủng. Cách ly người bệnh và vệ sinh cá nhân.
Lê Thị Hồng Nhung
 
Top