• THÔNG BÁO: Diễn đàn trực tuyến TRUNG TÂM Y TẾ THỦ THỪA sắp hết dung lượng lưu trữ dữ liệu và sẽ tạm ngưng hoạt động sau ngày 31/12/2023. Để tiếp tục duy trì hoạt động diễn đàn, đề nghị chủ sở hữu mua thêm dung lượng hoặc đăng ký hosting mới. Xin cảm ơn!

Tài liệu tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết (TTKSBT)

Admin

Chủ tịch Công đoàn - Admin
Thành viên BQT
PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

Bs. Thái Thị Thảo Nguyên – Trung tâm Y tế dự phòng

  • Mục tiêu
  • Giúp mọi người nhận biết được
  • Khái niệm bệnh sốt xuất huyết.
  • Triệu chứng, đường lây của bệnh sốt xuất huyết.
  • Cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

  • NHỮNG ĐIỀU CẦN GIÁO DỤC
BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT LÀ GÌ?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

SỰ NGUY HIỂM CỦA BỆNH?

Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Ở miền Nam, bệnh sốt xuất huyết Dengue xuất hiện quanh năm, thường bùng phát vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.

Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 týp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 týp gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng týp cho nên người ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những týp khác nhau.

ĐẶC ĐIỂM CỦA MUỖI TRUYỀN BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT?

Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn cái chích người vào ban ngày, chích mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, mền mùng, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.

Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa...

TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH?

Bệnh nhân sốt xuất huyết sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày và có thể có các dấu hiệu: Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; Da xung huyết; Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; Nghiệm pháp dây thắt dương tính; Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Bệnh nhân chuyển nặng khi có thêm dấu hiệu: Vật vã, lừ đừ, li bì; Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan; Nôn ói nhiều; Tiểu ít; chảy máu chân răng, chảy máu mũi.

  • Đến ngay các cơ sở y tế khi có các triệu chứng nghi sốt xuất huyết Dengue để được khám, tư vấn; không nên tự ý điều trị tại nhà; Thông báo ngay cho Trạm y tế hoặc Trung tâm Y tế khi phát hiện có người nghi mắc bệnh.
ĐƯỜNG LÂY BỆNH?

Bệnh sốt xuất huyết Dengue không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh được truyền sang người qua muỗi chích. Muỗi chích hút máu người mắc bệnh hoặc người nhiễm vi rút không triệu chứng rồi từ đó lại chích sang người khác và truyền bệnh. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng không làm lây truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue.

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH?

Chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng và phòng muỗi chích.

* Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng.

- Hàng tuần súc rửa các dụng cụ chứa nước, thay nước bình hoa; thu gom, tiêu hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, vỏ dừa, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

- Bỏ muối vào bát nước kê chân tủ đựng thức ăn.

* Phòng chống muỗi chích

- Mặc quần áo dài tay; Ngủ trong mùng kể cả ban ngày.

- Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong mùng, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

- Dùng bình xịt diệt muỗi, nhang muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

* Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”.
 
Top