• THÔNG BÁO: Diễn đàn trực tuyến TRUNG TÂM Y TẾ THỦ THỪA sắp hết dung lượng lưu trữ dữ liệu và sẽ tạm ngưng hoạt động sau ngày 31/12/2023. Để tiếp tục duy trì hoạt động diễn đàn, đề nghị chủ sở hữu mua thêm dung lượng hoặc đăng ký hosting mới. Xin cảm ơn!

Những yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con

Bùi Thị Thùy Mai

Cán bộ Truyền thông Giáo dục sức khỏe
28/6/2024
Những yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con

Nếu không có can thiệp thì với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 30 - 40%, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.140 - 1.520 trẻ em sinh ra nhiễm HIV từ mẹ. Can thiệp bằng xét nghiệm sàng lọc sớm trong thai kỳ, điều trị thuốc dự phòng kịp thời, đầy đủ có thể giảm tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con (LTMC) xuống dưới 2%.
Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con có liên quan đến HIV. Tải lượng HIV trong máu mẹ có liên quan tỷ lệ thuận với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nguy cơ lây truyền HIV sang con cũng cao hơn ở trường hợp người mẹ mới bị nhiễm HIV (giai đoạn nhiễm HIV cấp) hoặc ở giai đoạn cuối khi có triệu chứng của AIDS do mẹ có nồng độ vi rút HIV trong máu rất cao. Người ta cũng ghi nhận một số đột biến gen HIV ở người mẹ được sử dụng ARV với mục đích điều trị hoặc phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có liên quan đến kháng thuốc có thể ảnh hưởng đến những trẻ nhiễm HIV từ người mẹ. Ngoài ra, lượng CD4 thấp hoặc tỷ lệ CD4/CD8 giảm thấp có liên quan đến việc tăng nguy cơ LTMC.
Bên cạnh đó là yếu tố sản khoa. Giai đoạn lâm sàng của người mẹ càng tiến triển nặng thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con càng cao. Mẹ bị đồng nhiễm các bệnh khác, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tình dục làm tăng lượng vi rút HIV trong dịch tiết ở đường sinh sản cũng như ở các tổn thương đường sinh sản, do đó làm tăng nguy cơ LTMC. Trẻ non tháng có nguy cơ nhiễm HIV từ mẹ cao hơn so với trẻ đủ tháng. Nguy cơ LTMC tăng tỷ lệ thuận với thời gian vỡ ối đến khi sinh. Nguy cơ này tăng khoảng 2% cho mỗi giờ vỡ ối. Viêm màng ối cũng có khả năng làm tăng nguy cơ LTMC. Những trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài hay phần mềm của người mẹ bị dập nát, thai bị trầy xước, sang chấn,… Các can thiệp sản khoa: như bấm ối, cắt tầng sinh môn, đặt forceps, giác hút,... hay can thiệp vào thai nhi như đo pH da đầu thai nhi,... đều có thể làm tăng sự phơi nhiễm của thai với HIV trong máu/dịch âm đạo của mẹ.
Ngoài ra, các yếu tố thai nhi, trẻ sơ sinh bao gồm hệ thống miễn dịch chưa trưởng thành, đặc biệt là ở trẻ non tháng, nhẹ cân đóng vai trò nhất định trong lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trẻ có tổn thương đường tiêu hoá được bú mẹ có nguy cơ bị lây truyền HIV cao hơn các trẻ khác.
Do vi rút HIV có trong sữa mẹ nên khi bú mẹ, vi rút HIV có thể xâm nhập qua niêm mạc miệng, lưỡi, lợi và đường tiêu hóa của đứa trẻ và lây nhiễm cho trẻ này, nhất là trong trường hợp trẻ có các viêm nhiễm trong khoang miệng. Nguy cơ lây truyền HIV qua bú sữa mẹ sẽ tăng lên nếu mẹ nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS (nồng độ vi rút HIV trong máu mẹ cao) hoặc mẹ mới nhiễm HIV chưa được điều trị ARV. Tình trạng viêm vú, nứt vú, áp xe vú của mẹ hay tổn thương ở miệng trẻ hoặc bệnh nhiễm khuẩn mẹ trong khi cho con bú.
Thời gian cho bú càng dài, nguy cơ lây truyền càng cao. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy ước tính tỷ lệ lây truyền mẹ con khoảng 15 - 30% nếu không cho con bú, 25 - 35% nếu cho con bú sữa mẹ hoàn toàn đến 6 tháng và có thể tới 30 - 45% nếu cho bú mẹ đến 18 - 24 tháng tuổi./.
Nguyễn Minh Văn
 
Top