• THÔNG BÁO: Diễn đàn trực tuyến TRUNG TÂM Y TẾ THỦ THỪA sắp hết dung lượng lưu trữ dữ liệu và sẽ tạm ngưng hoạt động sau ngày 31/12/2023. Để tiếp tục duy trì hoạt động diễn đàn, đề nghị chủ sở hữu mua thêm dung lượng hoặc đăng ký hosting mới. Xin cảm ơn!

Những lời khuyên mùa mưa bão, lũ lụt

Bùi Thị Thùy Mai

Cán bộ Truyền thông Giáo dục sức khỏe
24/9/2024

1. Những lời khuyên y tế mùa mưa bão, lũ lụt

Sau bão, mưa lớn và ngập lụt sẽ gia tăng những nguy cơ tiềm tàng về bệnh như thương hàn, tả, tiêu chảy, sốt xuất huyết, sốt rét,… Khi có biểu hiện bệnh cần liên hệ ngay với cơ quan y tế hoặc đường dây nóng hỗ trợ của địa phương để được hướng dẫn kịp thời.

Việc ăn uống phải đảm bảo sử dụng từ nguồn nước an toàn, nấu chín thức ăn. Xử lý rác thải thực phẩm hợp lý, loại bỏ những thực phẩm đã hỏng, hư hại vì nước lũ. Vệ sinh cá nhân luôn rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Dọn dẹp nước tù, đọng và làm sạch khu vực xung quanh nhà để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi.

Khu vực bạn sống nếu có bị ngập nước thì hạn chế đi bộ hoặc lái xe qua các khu vực ngập, vì xe có thể bị hỏng hoặc bị nước cuốn trôi. Tránh xa các vũng nước ngập, vì đường dây diện có thể đứt và rơi xuống nước gây điện giật. Đồng thời, giám sát không để trẻ em lội nước nhằm trách các bệnh truyền nhiễm và nguy cơ đuối nước.

Sau bão người dân cần tuân thủ hướng dẫn của chính quyền, tránh nước lũ, coi chừng dây điện bị đứt, cây ngã hoặc công trình đỗ. Giữ gìn vệ sinh cá nhân rửa tay thường xuyên, đi ủng, giữ ấm cơ thể, cẩn thận thực phẩm bị hỏng do bị mất điện, uống nước đóng chai, dùng viên khử trùng nước hoặc đun sôi nước trong ít nhất 1 phút.

Quay trở lại nhà sau cơn lũ lụt cần làm sạch các vật dụng bị dính nước ngập. Vứt bỏ các vật dụng không làm sạch được như gối, đệm, thảm. Cọ rửa sạch tường trần, sàn nhà và các bề mặt bằng nước, xà phòng, chất tẩy rửa. Cẩn thận xem có các loại sinh vật và động vật còn trú ẩn tại khu vực nhà ở sau khi nước rút.

2. Xử lý nước sinh hoạt an toàn

Nước hợp vệ sinh là nước được sử dụng trực tiếp hoặc sau khi lọc thõa mãn các yêu cầu chất lượng: không màu, không mùi, không vị lạ, không chứa thành phần có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, có thể dùng để ăn uống sau khi đun sôi.
Nhằm phòng chống các dịch, bệnh lây qua đường nước như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn… Để người dân có nguồn nước an toàn sinh hoạt hàng ngày, thực hiện Kế hoạch số 1416/KH-TTYT về việc Kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch lần 2 các trạm cấp nước tập trung trên địa bàn huyện năm 2024; Trung tâm Y tế huyện phối hợp với các Trạm Y tế xã thực hiện kiểm tra, giám sát lần 2 đối với tất cả các trạm cấp nước trên địa bàn. Qua đợt kiểm tra, toàn huyện có 217 trạm cấp nước, trong đó có 56 trạm cấp nước có thực hiện xét nghiệm mẫu nước. Đồng thời, vận động nâng cấp sửa chữa các trạm cấp nước chưa đạt yêu cầu để người dân được sử dụng nguồn nước an toàn.
Đối với những hộ gia đình chưa được cấp nước sạch từ các cơ sở cung cấp nước tập trung hoặc trong trường hợp khẩn cấp (như lũ lụt, hạn hán) không có nước sạch để sử dụng. Nên lựa chọn nước giếng đào, nước giếng khoan để xử lý trước khi sử dụng. Trong trường hợp không có nguồn nước ngầm, phải sử dụng nước ao hồ, sông suối, kênh rạch thì cần lựa chọn những điểm có khả năng ít bị ô nhiễm nhất, cố gắng lấy nước càng xa bờ càng tốt và cần xử lý nước trước khi sử dụng.
Trong trường hợp phải sử dụng nguồn nước bề mặt quá đục hoặc nhiều phù sa cần lọc bỏ bớt phù sa bằng các lớp vải màn trước khi làm trong nước. Làm trong nước đơn giản nhất là dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch. Làm trong bằng phèn chua: Dùng phèn chua với liều lượng 1g phèn chua (một miếng bằng khoảng nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước. Múc một gáo nước hoà cho tan hết lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong, cho vào dụng cụ chứa nước và khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong. Nếu không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong.

Sau khi nước đã được làm trong cần tiến hành khử trùng nước. Có thể khử trùng nước bằng hóa chất hoặc đun sôi. Khử trùng nước bằng các chế phẩm khử khuẩn nước sinh hoạt đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực. Nước đã được khử trùng có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Tuy nhiên nước này vẫn phải đun sôi rồi mới uống trực tiếp được.

Nếu sử dụng các các chế phẩm có hoạt chất khử trùng là Clo thì sau khi khử trùng ngửi thấy mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nếu lỡ cho quá nhiều Clo thì mở nắp, chờ thêm nửa giờ hoặc một giờ nữa cho bớt mùi rồi mới sử dụng. Việc khử trùng nước bằng hóa chất bột cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các cán bộ y tế có chuyên môn. Trước khi tiến hành khử trùng cần kiểm tra hạn sử dụng của hóa chất, nên sử dụng hóa chất còn hạn sử dụng để đảm bảo liều lượng và hiệu quả khử trùng.

Chỉ sử dụng nước để uống trực tiếp sau khi đã đun sôi. Nước sau khi đun sôi không được để quá lâu, nên thường xuyên đun nước mới hàng ngày để uống. Trong trường hợp không có hóa chất khử trùng, chỉ ăn uống nước đã đun sôi kỹ, không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.

Ngoài các biện pháp xử lý nước như trên, hộ gia đình có thể sử dụng thêm thiết bị lọc để xử lý nước. Hiệu quả lọc nước của thiết bị phụ thuộc vào chất lượng nước đầu vào, công nghệ lọc, tình trạng và chất lượng của thiết bị lọc, thời gian sử dụng…

Hiện nay có nhiều loại thiết bị lọc nước của nhiều hãng với các loại công nghệ khác nhau. Nên sử dụng những thiết bị đã được kiểm tra của các cơ quan chức năng, đồng thời tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để đảm bảo hiệu quả lọc nước. Nước đầu vào của các thiết bị lọc nước phải là nước đã được làm trong, để tránh bít tắc thiết bị lọc không dùng trực tiếp nước bề mặt từ ao hồ, sông suối, kênh rạch…

3. Thu gom và xử lý chất thải

Chất thải có thể gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước, làm xấu cảnh quan gia đình, thôn xóm và các nơi công cộng nếu vứt bừa bãi, không được thu gom xử lý đúng cách. Chất thải là môi trường chứa nhiều mầm bệnh cũng như nơi sống của các loại côn trùng trung gian truyền bệnh nguy hiểm.

Nếu là chất thải hữu cơ thì quá trình phân hủy sẽ bốc ra mùi hôi, thối khó chịu, nếu là vỏ đựng hóa chất bảo vệ thực vật có thể sẽ gây ngộ độc cho mọi người, nếu là các chai lọ thủy tinh vỡ, sắt thép có thể gây tai nạn chấn thương, nếu là bơm kim tiêm có thể làm lây lan các bệnh truyền nhiểm (HIV, viêm gan B-C…) nếu vô tình bị đâm chảy máu.

Việc thu gom và xử lý chất thải đúng làm hạn chế được ô nhiễm không khí, đất, nguồn nước, hạn chế lây lan mầm bệnh truyền nhiễm và ngộ độc. Chất thải hữu cơ có thể ủ làm phân bón, nuôi giun để làm thức ăn gia súc, gia cầm và cá. Chất thải vô cơ tái sử dụng lại hoặc tái chế như nilon, sành sứ, gỗ đá, gạch, chén, đồ nhựa, đồ cao su, đồ sắt, thủy tinh.. Việc thu gom đúng chất thải là biểu hiện sự văn minh của cộng đồng, làm đường phố sạch sẽ, không lầy lội, đọng nước và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Mỗi gia đình cần có ít nhất một sọt làm bằng nhựa hay kim loại không rỉ sét có nắp đậy, kín để chứa chất thải đảm bảo không bị rò rỉ. Cần phân loại chất thải trước khi xử lý, các loại chất thải độc hại và vô cơ cần thu gom riêng vào một chỗ để xử lý riêng. Nếu xử lý theo xe vận chuyển thì hằng ngày phải gom chất thải để cố định theo tuyến đường đi để xe thu gom xử lý tránh làm rơi vãi tràn lan ra đường. Nếu là rác hữu cơ có thể chôn, đốt, ủ để làm phân thì mỗi gia đình tự đào một cái hố ở góc vườn, mỗi lần bỏ chất thải hữu cơ vào hố thì phải phủ lên một lớp đất đến khi đầy thì ủ ít nhất 6 tháng. Nếu xử lý bằng phương pháp đốt thì phải chọn cuối hướng gió, tránh khói bụi bay vào khu dân cư làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Nơi công cộng phải chứa chất thải vào bể chứa, thùng to nơi công cộng và hằng ngày có xe chuyên dụng thu gom đem đi xử lý tại khu tập trung. Khu xử lý tập trung phải xa khu dân cư, không gần nguồn nước và ở cuối hướng gió.

Hằng tuần, hằng tháng nên tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm và nơi công cộng./.



Bùi Thị Thùy Mai
 
Sửa lần cuối:
Top