• THÔNG BÁO: Diễn đàn trực tuyến TRUNG TÂM Y TẾ THỦ THỪA sắp hết dung lượng lưu trữ dữ liệu và sẽ tạm ngưng hoạt động sau ngày 31/12/2023. Để tiếp tục duy trì hoạt động diễn đàn, đề nghị chủ sở hữu mua thêm dung lượng hoặc đăng ký hosting mới. Xin cảm ơn!

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ ONG ĐỐT

Bùi Thị Thùy Mai

Cán bộ Truyền thông Giáo dục sức khỏe
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ ONG ĐỐT
Con Ong đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, tuy nhiên nọc ong cũng có thể gây ra những phản ứng dị ứng nguy hiểm cho con người. Có nhiều loại ong, mỗi loại có đặc điểm và mức độ độc tố khác nhau. Một số loại ong phổ biến ở Việt Nam như ong mật, ong vàng, ong vò vẽ thuộc loại ong bắp cày,…. Trong đó ong đất dân gian còn gọi là ong mặt quỹ, ong vò vẽ có độc tố cao nhất và nguy hiểm nhất. Nọc ong chứa nhiều thành phần độc tố có thể gây ra các triệu chứng dị ứng như sưng tấy, ngứa rát, khó thở, thậm chí tử vong ở những người nhạy cảm. Nọc ong có thể gây ra các dị ứng từ nhẹ đến nặng: Nhẹ thì sưng tấy, mẩn đỏ, ngứa rát tại vết đốt; Nếu không xử lý vết ong đốt đúng cách, có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng. Nặng hơn Khó thở, sưng mặt, sưng họng, co thắt phế quản, tụt huyết áp, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Vừa qua, tại Khoa Hồi sức - Cấp cứu Trung tâm Y tê huyện Thủ Thừa cùng 1 ngày có tiếp nhận 4 người bị ong đốt, có 1 người ở địa phương khác đến và đặc biệt có trường hợp 3 người cùng một nhà, trong đó có 1 em bé bị sốc nặng nguy hiểm tính mạng được cấp cứu ban đầu và chuyển tuyến trên.
Việc trang bị kiến thức về phòng tránh ong đốt và xử lý khi bị đốt là vô cùng cần thiết để bảo vệ bản thân và gia đình. Để phòng tránh ong đốt hiệu quả cần hạn chế tiếp xúc với ong tránh xa khu vực có nhiều tổ ong, đặc biệt vào lúc ong hoạt động mạnh (sáng sớm và chiều tối). Không chọc phá tổ ong, không đi chân đất, không mặc quần áo màu sặc sỡ hoặc có mùi thơm ngọt. Ngoài ra cần có các biện pháp bảo vệ khi đi vào rừng, nên mặc quần áo dày, kín, đội mũ có lưới che, đi găng tay; Mang theo thuốc chống côn trùng có chứa DEET.
Khi gặp ong, giữ bình tĩnh, không la hét, vung tay đuổi ong, di chuyển chậm rãi ra khỏi khu vực có ong. Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, loại bỏ thức ăn thừa, rác thải để hạn chế ong đến làm tổ.
Khi bị ong đốt dùng nhíp hoặc kẹp gắp nhẹ nhàng ngòi ong ra khỏi da. Tránh bóp hoặc nặn vết đốt vì có thể làm nọc độc lan ra. Rửa sạch vết đốt bằng xà phòng và nước mát. Dùng đá hoặc khăn lạnh chườm lên vết đốt để giảm sưng và đau. Uống thuốc giảm đau paracetamol nếu cần thiết. Theo dõi tình trạng của người bị ong đốt. Nếu xuất hiện các triệu chứng dị ứng nặng như khó thở, phát ban, sưng mặt, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Không sử dụng các phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng để chữa trị vết ong đốt. Nếu người bị ong đốt có tiền sử dị ứng ong hoặc xuất hiện các triệu chứng dị ứng nặng, cần đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức. Nên đưa trẻ em đến cơ sở y tế khi bị ong đốt, vì trẻ em có nguy cơ cao bị dị ứng nặng hơn người lớn.
Hiện nay vào mùa nghỉ hè các Em học sinh hay đi du lịch, về quê Ông/bà vui chơi hay nghịch phá các bụi rậm như tìm trái mây làm trò chơi, hái trái cây trong bụi râm có nguy cơ dễ bị ong đốt do đó cần hướng dẫn trẻ em tránh xa bụi các tổ ong. Ong đốt có thể gây ra những nguy hiểm tiềm ẩn, nguy cơ biến chứng nặng.
Hãy chung tay nâng cao ý thức cộng đồng về phòng tránh ong đốt để bảo vệ sức khỏe cho mọi người!
Bùi Thị Thùy Mai
 
Top