• THÔNG BÁO: Diễn đàn trực tuyến TRUNG TÂM Y TẾ THỦ THỪA sắp hết dung lượng lưu trữ dữ liệu và sẽ tạm ngưng hoạt động sau ngày 31/12/2023. Để tiếp tục duy trì hoạt động diễn đàn, đề nghị chủ sở hữu mua thêm dung lượng hoặc đăng ký hosting mới. Xin cảm ơn!

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

Bùi Thị Thùy Mai

Cán bộ Truyền thông Giáo dục sức khỏe
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH TAY CHÂN MIỆNG



26.7.2023



Bệnh tay chân miệng là một trong những bệnh thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi, gặp nhiều nhất là ở trẻ dưới 3 tuổi. Hiện tại bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccin phòng bệnh, nên cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Virut đường ruột là nguyên nhân chính gây bệnh chân tay miệng. Các biểu hiện của bệnh: mệt mỏi, sốt nhẹ (38 - 38,5oC), đau họng, sổ mũi, mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi; xuất hiện các mụn nước, bọng nước ở lòng bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông. Các mụn nước, bọng nước này thường không gây đau rát.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An, tính đến hết ngày 16/7/2023 toàn tỉnh ghi nhận 879 ca mắc tay chân miệng tăng 11,6% ca so với cùng kỳ (787 ca). Các huyện có ca mắc cao: Đức Hòa (301 ca), Cần Giuộc (172 ca), Bến Lức (110 ca), Cần Đước (89 ca), Châu Thành (52 ca), TP. Tân An (41 ca),… Toàn tỉnh ghi nhận 21 ổ dịch tăng 15 ổ dịch so với cùng kỳ (6 ổ).

Tại huyện Thủ Thừa tính đến hết ngày 23/7/2023 ghi nhận 19 ca giảm 12 ca so với cùng kỳ 2022 (31 ca). Các xã có ca mắc cao: Thị Trấn (6 ca), Mỹ Lạc (3 ca), Mỹ Phú (3 ca), Mỹ An (2 ca),…Theo đó, để chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất các trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng, chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:

- Rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch nhất là trước khi ăn và sau khi vệ sinh.

- Người chăm sóc trẻ cũng cần rửa tay nhiều lần, nhất là khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ. Không cho trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng.

- Cho trẻ ăn chín uống chín, dùng riêng thìa, bát.

- Thu gom, xử lý phân và chất thải của trẻ. Thường xuyên vệ sinh sàn nhà, đồ chơi, vận dụng của trẻ bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn.

* Nên làm gì khi trẻ bị mắc bệnh:

- Khi trẻ bị bệnh phải cho trẻ nghỉ học, hạn chế tiếp xúc với trẻ khác.

- Không làm vỡ các nốt phỏng để tránh nhiễm trùng và lây lan bệnh.

- Hạn chế vận động, tăng cường dinh dưỡng, cho trẻ ăn thức ăn lỏng mềm.

- Rửa tay kỹ với xà phòng bằng các bước như sau:

Bước 1: Làm ướt hai bàn tay bằng nước sạch. Thoa xà phòng vào lòng bàn tay. Chà xát hai lòng bàn tay với nhau.

Bước 2: Dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay lần lượt từng ngón của bàn tay kia và ngược lại.

Bước 3: Dùng lòng bàn tay này chà xát chéo lên mu bàn tay kia và ngược lại.

Bước 4: Dùng đầu ngón tay của lòng bàn tay này miết vào kẽ giữa các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.

Bước 5: Chụm 5 đầu ngón tay của tay này cọ vào lòng bàn tay kia bằng cách xoay đi, xoay lại.

Bước 6: Xả cho tay sạch hết xà phòng dưới nguồn nước sạch. Lau khô tay bằng khăn hoặc giấy sạch.

- Người chăm sóc trẻ theo dõi sát sức khỏe của trẻ để phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh. Khi thấy trẻ bị sốt và xuất hiện nốt phỏng ở lòng bàn tay, bàn chân hoặc miệng, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám, điều trị kịp thời./.

Lê Thị Hồng Nhung
 
Top