• THÔNG BÁO: Diễn đàn trực tuyến TRUNG TÂM Y TẾ THỦ THỪA sắp hết dung lượng lưu trữ dữ liệu và sẽ tạm ngưng hoạt động sau ngày 31/12/2023. Để tiếp tục duy trì hoạt động diễn đàn, đề nghị chủ sở hữu mua thêm dung lượng hoặc đăng ký hosting mới. Xin cảm ơn!

NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, NGỪA NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM

Bùi Thị Thùy Mai

Cán bộ Truyền thông Giáo dục sức khỏe
NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, NGỪA NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM
24/5/2024
Trong thời gian qua, số vụ ngộ độc, số người mắc ngộ độc thực phẩm vẫn còn nhiều, riêng năm 2023 toàn quốc đã ghi nhận 125 vụ làm trên 2.100 người mắc và làm 28 người tử vong, có xu hướng gia tăng so với năm 2022. Gần đây, trên phạm vi cả nước vẫn ghi nhận một số vụ ngộ độc, đặc biệt vụ ngộ độc xảy ra tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và gần đây là thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai ngày 30/4/2024 với trên 450 người mắc phải nhập viện điều trị, tiếp tục gây lo ngại trong Nhân dân.
Để hiểu hơn về ngộ độc thực phẩm và một số biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng ta cần nắm các nội dung sau:
* Ngộ độc thực phẩm, còn gọi là ngộ độc thức ăn hay trúng thực, là tình trạng gây ra do ăn, uống phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hay những loại thực phẩm bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, chất phụ gia... Bệnh có thể gây nguy hại đến sức khỏe của con người và sẽ khỏe hơn sau vài ngày được điều trị.
* Nguyên nhân gây Ngộ độc thực phẩm là do thức ăn của con người bị nhiễm khuẩn, nhiễm chất hóa học và những yếu tố có hại khác như:
- Vi khuẩn: là nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm. Các vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm thường là: Clostridium perfringens; Salmonella; E.coli; ngoại độc tố…
- Độc tố vi nấm: Aflatoxin; Citrinin...
- Virus: các loại virus gây ngộ độc thực phẩm là: Enterovirus; Rotavirus…
- Ký sinh trùng: ký sinh trùng gây ngộ độc thực phẩm do động vật truyền sang người như: Platyhelminthes, Nematoda, Protozoa…
- Độc tố tự nhiên.
- Và các tác nhân gây độc khác: xuất phát từ khâu sản xuất, bảo quản, chế biến thực phẩm; ngộ độc thực phẩm có thể do chất bảo quản, chất ép chín trái cây nhanh, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, phụ gia...
* Triệu chứng Ngộ độc thực phẩm
Sau khi ăn thức ăn bị nhiễm độc, các triệu chứng ngộ độc thực phẩm sẽ biểu hiện như sau: Đau bụng quằn quại; Buồn nôn, nôn mửa; Tiêu chảy; Sốt; Đau đầu. Nếu bệnh nặng hơn sẽ có các triệu chứng sau: Tiêu chảy ra máu. Dấu hiệu mất nước: môi khô, mắt trũng, khát nước, mạch nhanh, thở nhanh; Trụy tim mạch; Sốc nhiễm khuẩn.
* Đối tượng nguy cơ bị Ngộ độc thực phẩm
Những đối tượng nguy cơ dễ bị ngộ độc thực phẩm là:
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tuổi: do chưa có hệ miễn dịch hoàn thiện nên dễ mắc phải ngộ độc thực phẩm.
- Người già: sự lão hóa của tuổi già làm cho hệ miễn dịch của cơ thể yếu đi, không thể chống lại vi khuẩn gây hại.
- Phụ nữ mang thai: hệ tuần hoàn và chuyển hóa bị thay đổi khiến dễ bị ngộ độc thực phẩm.
- Những người có hệ miễn dịch yếu cũng có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm.
- Những người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, gan. AIDS…
* Các biện pháp phòng ngừa Ngộ độc thực phẩm
Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm bao gồm nhiều quá trình như chọn thực phẩm an toàn, bảo quản thực phẩm chưa chế biến và đã chế biến, giữ vệ sinh trong lúc chế biến thức ăn, ăn uống hợp vệ sinh với nguyên tắc ăn chín uống sôi.
1. Lựa chọn, bảo quản thực phẩm an toàn:
-
Cần lựa mua những thực phẩm tươi sống, không bị ôi thiu, không bị kém chất lượng, không hết hạn sử dụng, không có xuất xứ rõ ràng.
- Không dùng những thức ăn có chất độc như cá nóc, khoai tây mọc mầm, nấm lạ... và những thực phẩm nhiễm chất độc hóa học.
- Bảo quản kỹ lưỡng thực phẩm. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác: Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn...
- Bảo quản những thức ăn chưa chế biến và đã chế biến trong tủ lạnh ở nhiệt độ phù hợp.
- Không nên để thức ăn ở ngoài quá hai giờ đồng hồ đặc biệt vào mùa hè, thời tiết nắng nóng không nên để ngoài quá một giờ đồng hồ. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín: Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ nóng liên tục trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Nấu lại thức ăn thật kỹ: Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, phải được đun kỹ lại.
2. Chế biến thức ăn đúng cách và an toàn:
-
Làm chín thức ăn đúng cách, ở nhiệt độ phù hợp. Nấu chín kỹ thức ăn: Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn, là bảo đảm nhiệt độ bên trong khối thực phẩm phải đạt tới trên 70°C. Đun sôi nước trước khi sử dụng.
- Rửa tay trước khi tiếp xúc với thực phẩm, trong quá trình chế biến và sau khi chế biến món ăn để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn qua đường ăn uống. Rửa các loại trái cây tưới trực tiếp dưới vòi nước đang chảy.
- Dụng cụ chế biến thức ăn cũng phải sạch sẽ, rửa lại bằng xà phòng và nên rửa với nước ấm.
- Ăn uống hợp vệ sinh: Ăn uống ở những nơi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh những quán ăn bụi bẩn, ẩm thấp… Ăn ngay sau khi nấu: Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì để lâu thức ăn càng dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khỏe.
- Thực hiện ăn chín uống sôi.
- Sử dụng nguồn nước sạch an toàn trong chế biến thực phẩm. Nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi nước trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ
3. Nâng cao kiến thức và thay đổi hành vi trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm:
Đối với nhà sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm cần chú ý nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và thói quen không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm; chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường; không nên tự đóng gói kín các thực phẩm trong điều kiện không đông đá tạo điều kiện cho vi khuẩn hiếm khí phát triển, ví dụ như Clostridium botulinum.
* Các biện pháp điều trị Ngộ độc thực phẩm
- Phần lớn bệnh nhân khi bị ngộ độc thực phẩm có thể tự khỏi mà không phải điều trị sau vài ngày, nhưng một số ca bệnh lại bị ngộ độc thực phẩm kéo dài hơn.
- Để điều trị ngộ độc thực phẩm, bệnh nhân cần được bù nước đã mất, bù điện giải như natri, kali, canxi, duy trì cân bằng lượng nước cơ thể đã thất thoát do tiêu chảy.
- Những trường hợp ngộ độc thực phẩm nặng, bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng sinh, nhất là đối với phụ nữ mang thai để ngăn ngừa việc bào thai bị nhiễm trùng.
- Đối với xử lý tại nhà:
+ Bệnh nhân cần tự gây nôn để nôn hết thức ăn bị nhiễm khuẩn đã được đưa vào cơ thể. Sau đó, bệnh nhân nên uống Oresol để bù điện giải.
+ Đối với bệnh co giật, ngưng thở, ngưng tim, nên được sơ cứu hô hấp nhân tạo rồi chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời./.

Lê Thị Phương Thúy
 
Top