• THÔNG BÁO: Diễn đàn trực tuyến TRUNG TÂM Y TẾ THỦ THỪA sắp hết dung lượng lưu trữ dữ liệu và sẽ tạm ngưng hoạt động sau ngày 31/12/2023. Để tiếp tục duy trì hoạt động diễn đàn, đề nghị chủ sở hữu mua thêm dung lượng hoặc đăng ký hosting mới. Xin cảm ơn!

HIV LÂY TRUYỀN TỪ MẸ SANG CON NHƯ THẾ NÀO?

Bùi Thị Thùy Mai

Cán bộ Truyền thông Giáo dục sức khỏe
25/6/2024
HIV LÂY TRUYỀN TỪ MẸ SANG CON NHƯ THẾ NÀO?
HIV là vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người. AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV.
Người mẹ bị nhiễm HIV khi có thai có thể truyền HIV cho con qua bánh rau, qua máu và dịch âm đạo, khi chuyển dạ đẻ hoặc qua sữa khi cho con bú. Ước tính tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con qua từng giai đoạn của thai kì (tính trên 100 trẻ bị nhiễm HIV): trước sinh (khi mang thai, trong tử cung) 25%; trong sinh (lúc chuyển dạ) 50%; sau sinh (khi cho con bú) 25%. Tất cả những trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV đều có nguy cơ bị lây nhiễm HIV nhưng thực tế chỉ có khoảng 25 - 40% con của các bà mẹ này bị lây nhiễm HIV từ mẹ.
Bình thường, rau thai có cấu tạo đặc biệt cho phép chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, kháng thể của người mẹ… đi qua để nuôi dưỡng bào thai. Có một tỷ lệ vi rút HIV qua được rau thai qua các tế bào của mẹ bị nhiễm HIV. Sự lây truyền này xảy ra từ 3 tháng đầu của thai kỳ và tăng dần vào các giai đoạn sau của thời kỳ mang thai. Theo cơ chế này, HIV nằm trong các tế bào mẹ di chuyển qua bánh rau vào thai nhi. Ngoài ra, HIV có thể xâm nhập vào thai nhi do nhiễm khuẩn đặc biệt của bánh rau, xảy ra trong ba tháng đầu hay ba tháng giữa của thai kỳ. HIV cũng có thể xâm nhập muộn hơn vào nửa sau thai kỳ khi bề dày của “vách ngăn màng rau” mỏng đi.
Lây truyền HIV từ mẹ sang con thường xảy ra muộn vào thời kỳ chuyển dạ, khi đứa trẻ “đi qua” đường sinh dục của mẹ để ra ngoài và do đó phơi nhiễm trực tiếp với HIV của mẹ. Đây là giai đoạn xuất hiện các cơn co tử cung, với tần số ngày càng cao, dẫn đến có những xuất huyết ở thành tử cung - bánh rau và có thể có những sự trao đổi máu mẹ - thai nhi trong quá trình chuyển dạ. Giai đoạn sau đó khi ối đã vỡ là khi thai nhi không còn có sự bảo vệ của màng ối, dẫn đến sự tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo và máu của mẹ.
Nếu cuộc đẻ có can thiệp như cắt tầng sinh môn, sanh forceps thì da, các mạch máu bị tổn thương làm tăng khả năng nhiễm HIV cho thai, hoặc thành âm đạo, cổ tử cung của người mẹ, da và niêm mạc của trẻ sơ sinh dễ bị trầy xước do bị thăm khám hay thủ thuật, vi rút qua những chỗ trầy xước đó mà thâm nhập vào cơ thể thai nhi.
Cuối cùng, sữa mẹ có thể là nguồn lây truyền HIV cho con nếu bà mẹ bị nhiễm HIV. Đó là do vi rút HIV từ các tế bào bạch cầu trong máu mẹ qua mạch máu thấm vào các nang sữa rồi qua sữa mẹ truyền sang con hay do sự xây sát gây chảy máu ở núm vú khi trẻ bú mẹ. Do vậy cho dù với nồng độ không cao nhưng HIV vẫn tồn tại trong sữa mẹ và có thể lây nhiễm cho trẻ bú sữa người mẹ nhiễm HIV.
Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một vấn đề nghiêm trọng nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Với kiến thức và biện pháp phòng ngừa phù hợp, phụ nữ mang thai nhiễm HIV có thể sinh con khỏe mạnh và không bị lây nhiễm HIV nếu điều trị ARV sớm khi tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện./.
Bùi Thị Thùy Mai
 
Top