• THÔNG BÁO: Diễn đàn trực tuyến TRUNG TÂM Y TẾ THỦ THỪA sắp hết dung lượng lưu trữ dữ liệu và sẽ tạm ngưng hoạt động sau ngày 31/12/2023. Để tiếp tục duy trì hoạt động diễn đàn, đề nghị chủ sở hữu mua thêm dung lượng hoặc đăng ký hosting mới. Xin cảm ơn!

Giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế

Bùi Thị Thùy Mai

Cán bộ Truyền thông Giáo dục sức khỏe
Giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế
Ngày 29-7-2019, Bộ Y tế ban hành Chỉ thị 08/CT-BYT về việc giảm thiểu chất thải nhựa ngành y tế. Theo đó, Bộ Y tế phấn đấu chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và ni lông khó phân hủy trong hoạt động của các cơ sở y tế. Thay thế các vật liệu nhựa dùng trong các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh dược phẩm, thuốc, trong sinh hoạt hàng ngày của nhân viên y tế, bệnh nhân… bằng các chất liệu an toàn, thân thiện với môi trường.
Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Y tế yêu cầu:
Các cơ sở y tế: Ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động của đơn vị; Đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của đơn vị; Phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định; Quán triệt, phổ biến, vận động cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị; Ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa giữa Thủ trưởng đơn vị với Lãnh đạo các khoa, phòng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại cơ sở y tế; Phát động phong trào thi đua và chủ động phát hiện, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm thiểu chất thải nhựa; Nghiên cứu, đề xuất và áp dụng các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động y tế để bảo đảm an toàn cho người bệnh, cộng đồng và môi trường.
Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ Y tế, Thanh tra Bộ Y tế, Sở Y tế: Hạn chế tiến tới không sử dụng túi, chai cốc, ống hút làm từ nhựa dùng một lần, ni lông; Thi đua, vận động công chức, viên chức, người lao động giảm thiểu và tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy.
Chất thải nhựa đang hằng ngày tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Trong lĩnh vực y tế, chất thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau. Chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh. Phát sinh từ các hoạt động chuyên môn như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế. Phát sinh từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất....
Những vật liệu nhựa dùng trong các hoạt động này có thể thay thế bằng các chất liệu an toàn, thân thiện hơn đối với môi trường nếu có sự quyết tâm, chung tay của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế cũng như người dân. (Nguồn Website Sở Y tế Long An)
Thủ Thừa, ngày 21 tháng 8 năm 2019
Thông qua BLĐ Trung tâm Y tế Thủ Thừa
Người gửi bài
Nguyễn Thị Hoa Bùi Thị Thuỳ Mai
 
Top