• THÔNG BÁO: Diễn đàn trực tuyến TRUNG TÂM Y TẾ THỦ THỪA sắp hết dung lượng lưu trữ dữ liệu và sẽ tạm ngưng hoạt động sau ngày 31/12/2023. Để tiếp tục duy trì hoạt động diễn đàn, đề nghị chủ sở hữu mua thêm dung lượng hoặc đăng ký hosting mới. Xin cảm ơn!

CHĂM SÓC DINH DƯỠNG 1000 NGÀY ĐẦU ĐỜI CỦA TRẺ

Bùi Thị Thùy Mai

Cán bộ Truyền thông Giáo dục sức khỏe
CHĂM SÓC DINH DƯỠNG 1000 NGÀY ĐẦU ĐỜI CỦA TRẺ
14/4/2023
1000 ngày đầu đời của trẻ được ví là 1000 ngày vàng, được tính bằng thời gian mang thai cộng với 2 năm đầu tiên của trẻ. Đầu tư vào chăm sóc và dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn này chính là sự đầu tư tốt nhất cho sự phát triển cả đời của trẻ. Giai đoạn này được xem là cơ hội để chăm sóc dinh dưỡng, qua đó thiết lập nền tảng cho sức khỏe, trí thông minh và trí tuệ cảm xúc nói chung của một con người.
Kết quả truyền thông giáo dục dinh dưỡng từ tháng 01- 03/2023. Trung tâm Y tế huyện Thủ Thừa đã truyền thông trực tiếp cho thai đến khám tại khoa CSSKSS huyện và Trạm Y tế xã kiến thức về dinh dưỡng mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ ngay từ giờ đầu sau sinh và kéo dài trên 24 tháng đạt 100% (407/407). Trạm Y tế xã thực hiện hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ có con dưới 2 tuổi 441/2123= 20,7%. Đồng thời cung cấp kiến thức cho các bà mẹ hiểu rõ về ý nghĩa quan trọng của 1000 ngày đầu đời đạt 100%.
1000 ngày đầu đời rất quan trọng. Giải thích cho việc này, các nhà khoa học nhận thấy: não bộ của con người phát triển và thay đổi trong suốt cuộc đời, nhưng thời kỳ não bộ phát triển nhanh nhất và quan trọng nhất là trong ba tháng cuối của thai kỳ và hai năm đầu đời của trẻ, đạt tới 80% trọng lượng của não trưởng thành. Cho nên, khoảng thời gian này sự cung cấp dinh dưỡng tối ưu là cơ sở để đảm bảo sự phát triển bình thường của trẻ đồng thời đây cũng là thời điểm não dễ bị tổn thương nhất nếu có sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng.
Chế độ dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời có tầm quan trọng trong nâng cao thể lực và khả năng miễn dịch để phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn rất thường gặp ở trẻ nhỏ như viêm phổi, tiêu chảy… Dinh dưỡng hợp lý trong 1000 ngày đầu đời đặc biệt còn giúp dự phòng bệnh béo phì, tiểu đường và các bệnh mạn tính khác.
Cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ có thai: Người mẹ phải được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 quý của thai kỳ, phải được tiêm phòng các vắc-xin dành cho người mang thai và xét nghiệm đầy đủ các bệnh lây truyền từ mẹ sang con. Đồng thời bổ sung viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất đến sau sinh 1 tháng và thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Khuyến khích và hỗ trợ thực hành nuôi con bằng sữa mẹ: Sữa mẹ là thức ăn lý tưởng nhất, hoàn hảo nhất dành cho trẻ. Tại bàn sinh, trẻ được “da kề da” với mẹ và bắt vú sớm trong vòng 1 giờ đầu để bé tận hưởng sữa non, có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều kháng thể giúp nâng sức đề kháng chống lại một số bệnh tật, đặc biệt các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và tiêu hóa, giúp mẹ xuống sữa nhanh và go hồi tử cung tốt. Cho trẻ bú theo nhu cầu và cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Mẹ cần phải bổ sung nguồn dinh dưỡng để phục hồi sức khỏe sau sinh và duy trì được nguồn sữa mẹ cho trẻ bú kéo dài đến 24 tháng.
Cải thiện thực hành ăn bổ sung cho trẻ 6 đến 24 tháng tuổi: Khi trẻ được 6 tháng tuổi, sự phát triển của trẻ tăng lên rất nhanh, vì vậy nhu cầu dinh dưỡng của trẻ cũng tăng lên và sữa mẹ không còn đáp ứng đủ nhu cầu cho trẻ. Từ thời điểm này, cho trẻ ăn bổ sung ngoài sữa mẹ. Bắt đầu cho trẻ ăn dặm từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều, tập cho trẻ quen dần với nhiều thức ăn mới.
Dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời là cửa sổ cơ hội cho tất cả người mẹ cũng như cán bộ y tế và những người liên quan. Nếu biết tận dụng tối đa cơ hội đó để thực hiện chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và con ngay từ khi mang thai cho đến 2 năm đầu đời của trẻ, chúng ta hoàn toàn tin vào một thế hệ tương lai con người Việt Nam khỏe mạnh cả thể chất và tinh thần.
Trần Thị Mộng Tuyền
 
Top